Thế nhưng, sự tiên phong và đột phá trong tương lai, liệu rằng sẽ tồn tại những cách thức và phương pháp mới để làm thời trang, mà ở đó thì sự bảo tồn thiên nhiên và những chất liệu thân thiện với môi trường mới là tâm điểm để mọi người phải tán dương?
Khái niệm BioCouture chắc hẳn sẽ vô cùng lạ lẫm với rất nhiều người trong chúng ta, ngay cả đối với những người làm ở trong ngành thời trang. Nhưng hãy hình dung trong tương lai, khi quần áo không chỉ được may và làm từ gấm lụa thông thường, mà lại bằng vi khuẩn và nấm lên men. Liệu bạn có cảm thấy thích thú với cái suy nghĩ đấy không?
Chiếc đầm này làm từ nấm lên men. Bạn tin chứ?
BioCouture là một thuật ngữ thời trang mới. Thuật ngữ này dùng để mô tả việc kết hợp công nghệ sinh học với thời trang hoặc sử dụng những nguyên liệu organic đã qua xử lý để kết cấu nên trang phục. Khái niệm này tuy còn mới và khá lạ lẫm với phần đông, nhưng đây được hứa hẹn sẽ là một bước đột phá trong ngành thời trang ở tương lai. Ở bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào vấn đề công nghệ sinh học và những tác động tích cực của nó trong ngành thời trang.
BioCouture sẽ là tương lai của ngành thời trang.
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể chế tạo ra một loại chất liệu mới, được sản xuất nhờ quá trình lên men tự nhiên của vi sinh vật và hoàn toàn thân thiện với môi trường. Thành quả thu được là một loại chất liệu mới có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên, có thể may và mặc được.
Thông thường trong ngành thời trang, vải vóc được sử dụng để tạo nên những bộ trang phục. Những phần thừa bị bỏ lại sau quá trình sản xuất sẽ trở thành rác thải. Khi ngành công nghiệp thời trang càng phát triển mạnh mẽ thì chúng ta cũng đồng thời tạo ra một nguồn rác thải vô tận. Đây là một vấn đề cấp bách mà mọi tổ chức nhân quyền và bảo tồn thiên nhiên đều luôn đau đầu tìm phương án giải quyết. Tuy nhiên, BioCouture được hứa hẹn sẽ trở thành một giải pháp để khắc phục được điều đó. Tất cả những trang phục làm bằng nguyên liệu “đặc biệt” này khi không còn được sử dụng nữa sẽ dễ dàng để phân hủy và hoàn toàn không gây nguy hại đến môi trường.
Suzanne Lee, trường ban nghiên cứu tại phòng thí nghiệm tại Southwark, London. Cô là một trong những người đi tiên phong trong việc phát triển lĩnh vực công nghệ sinh học để ứng dụng vào thời trang.
Ở thời điểm hiện tại, việc sản xuất ra chất liệu lên men tự nhiên và dùng nó như là nguyên liệu để tạo dựng phục trang là điều không khó khăn. Bằng việc sử dụng nhưng nguyên liệu phổ biến như đường, dấm chua, trà xanh, rượu, bia… những thứ có thể dễ dàng tìm được trong nhà bếp của mọi người. Kết hợp với sử dụng chất xúc tác và điều kiện phù hợp để quá trình phản ứng lên men được trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Thậm chí Suzanne còn chia sẻ rộng rãi phương pháp của bà để tạo ra chất liệu sinh học phục vụ cho ngành thời trang.
Độ bền của chất liệu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như nguyên liệu cấu thành, thời gian để lên men… Những chất liệu thu được hoàn toàn có thể xử lý thêm được (như trong hình là chất liệu đã được cắt lazer bằng máy cắt theo họa tiết)
Một chiếc giày BioCouture, sản phẩm của Suzanne Lee.
Nếu như công nghệ in 3D đang khiến mọi người trầm trồ và phấn khích vì sự khác biệt và độc đáo của nó. Hãy nhìn vào sự thật rằng hầu như những trang phục như vậy chỉ phục vụ cho nhu cầu trưng bày và trình diễn của một nhóm thiểu số trong số chúng ta. Và thành thực mà nói, việc sử dụng những nguyên liệu nhân tạo có gốc hóa dầu đó sẽ rất khó lòng phân hủy mà không gây nguy hại tới môi trường. Chẳng phải chúng ta đã sản xuất quá dư thừa số lượng nhựa và rác thải có gốc dầu để có thể tiêu hủy được hoàn toàn trong vòng 50 năm tới rồi sao?
Khái niệm Fast Fashion được sinh ra là bởi con người luôn đưa lợi nhuận lên hàng đầu và chỉ quan tâm những gì diễn ra trong thời gian rất ngắn mà không cân nhắc đến những tác hại lâu dài của nó. Nghịch lý của ngành thời trang nằm ở chỗ là vô số người tiêu dùng vẫn còn chưa ý thức được rằng nhu cầu mua sắm hàng hóa sale off của họ đang gây hại đến môi trường và rồi hậu quả đó cũng quay lại hại chính con người. Đáng buồn làm sao!
Một chiếc đầm BioCouture của NTK Nineva Ivanola.
Câu hỏi cấp bách cho những bộ não đứng đầu ngành đó là làm sao tìm ra được giải pháp để sửa chữa hành vi tiêu dùng đang tàn phá môi trường sống? Ngành thời trang luôn song hành cùng với xã hội loài người và là tấm gương phản ảnh chân thực nhất những gì đang diễn ra. Ở thì tương lai, liệu chúng ta có thể bảo tồn, phục hồi được thiên nhiên thay vì cố gắng thống trị và hủy hoại nó? Công nghệ sinh học hẳn sẽ là một giải pháp thiết thực và khả thi. Lúc đó, ngành thời trang kết hợp với công nghệ sinh học sẽ là một ẩn số vô cùng thú vị và rất đáng để mong đợi.